Khi sử dụng máy tính, đôi khi bạn sẽ gặp phải một số sự cố mà khó có thể truy ra lỗi bắt đầu từ đâu. Nếu rơi vào trường hợp này, đây là những gì bạn cần làm.
Bộ nguồn
Bộ nguồn là một thiết bị phần cứng quan trọng, cung cấp năng lượng hoạt động cho toàn hệ thống. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ nguồn đã không được người dùng quan tâm trong một thời gian dài. Với hàng loạt công nghệ mới chạy đôi hoặc “2 trong 1” như RAM dual channel, đĩa cứng RAID, đồ họa SLI/CrossFire, dual monitor, CPU dual core… Bộ nguồn càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi nó quyết định sự ổn định của hệ thống, tuổi thọ của các thiết bị phần cứng khác. Gánh nặng này đã vượt quá khả năng “chịu đựng” của những bộ nguồn không tên tuổi trên thị trường, kể cả những bộ nguồn được dán nhãn 600 – 700W. Vì vậy, bạn đừng tiếc tiền khi đầu tư cho bộ nguồn của hệ thống vì chúng tránh cho bạn những sự cố đáng tiếc khi xảy ra quá tải.
Window luôn kiểm tra đĩa cứng
Thật bực mình khi Window luôn chạy checkdisk mỗi khi khởi dộng dù bạn đã tắt máy đúng cách. Nếu không muốn phiền phức, bạn có thể tắt tính năng này; tuy nhiên, bạn phải chắc rằng hệ thống vẫn hoạt động tốt (trừ việc luôn chạy checkdisk).
Trước hết, bạn hãy kiểm tra các ứng dụng tự động chạy trong Scheduled Tasks. Chọn Start.Programs.Accessories.System Tools.Scheduled Task để xem những chương trình nào đang sử dụng tính năng này. Xóa tất cả những thứ liên quan đến Chkdsk hoặc Autochk.
Thực hiện việc kiểm tra đĩa cứng một lần nữa với tiện ích checkdisk để Windows tự kiểm tra và sửa lỗi. Thực hiện như sau: Trong Windows Explorer, nhấp phải chuột trên phân vùng cần kiểm tra, chọn Properties. Trong tab Tools, chọn Check Now trong mục Error Checking. Đánh dấu các tùy chọn trong Check Disk Options trước khi nhấp Start. Với phân vùng hệ thống (phân vùng cài đặt Windows), checkdisk chỉ kiểm tra trong lần khởi động kế tiếp.
Nếu checkdisk không thể hoàn tất quá trình kiểm tra (treo máy) hoặc không khắc phục được lỗi, hãy sử dụng tiện ích checkdisk (chkdsk.exe), ilxmbr và ilxboot của Recovery Console (bộ tiện ích có trong đĩa cài đặt Windows) để kiểm tra Master Boot Record (MBR) và các file hệ thống.
Một trường hợp khác là cấu trúc logic của phân vùng đĩa cứng bị lỗi, bạn nên copy tất cả dữ liệu sang phân vùng khác, sau đó format phân vùng bị lỗi rồi chép dữ liệu trở lại.
Kế đến, kiểm tra trường hợp lỗi của các phần mềm. Chọn Start.Run để mở cửa sổ DOS Prompt; gõ vào lệnh “msconfig” và nhấp OK để mở cửa sổ System Configuration Utility. Trong giao diện System Configuration Utility, chọn tab Startup và bỏ tất cả các tùy chọn được liệt kê trong Startup Item (tương ứng với các ứng dụng được nạp trong quá trình khởi động). Nhấp OK và chọn Restart để khởi động lại máy. Khi Windows khởi động lại, cửa sổ System Configuration Utility sẽ xuất hiện. Nếu không có bất kỳ trục trặc nào xảy ra, đánh dấu chọn Don’t show this message or launch the System Configuration Utility và nhấp OK. Kiểm tra xem hiện tượng checkdisk còn xuất hiện không. Nếu không, mở cửa sổ System Configuration Utility, lần lượt đánh dấu chọn từng mục trong Startup Item và khởi động lại để kiểm tra cho đến khi phát hiện được phần mềm gây lỗi. Gỡ bỏ chúng và cài đặt phiên bản mới hơn hoặc thay thế bằng phần mềm khác có tính năng tương đương.
Tắt tính năng Scandisk/Checkdisk
Chọn Start.Run, gõ lệnh “msconfig” và nhấp OK. Trong cửa sổ System Configuration Utility, chọn mục Advanced trong tab General và đánh dấu chọn Disable ScanDisk after bad shutdown.
Khởi động lại máy tính để những thay đổi có hiệu lưc.
Lưu ý
Trong quá trình kiểm tra, bạn phải lưu ý vấn đề tĩnh điện và tiếp đất của cơ thể để tránh gâ hỏng hóc cho các thiết bị, linh kiện.
Sao lưu những dữ liệu quan trọng để tránh mất mát khi kiểm tra.
Việc kiểm tra phần cứng đòi hỏi có chuyên môn và kinh nghiệm, nếu có thể, bạn nên nhờ người có kinh nghiệm giúp đỡ.
Điện áp trồi sụt cũng là nguyên nhân là máy tính không ổn định. Điện áp quá cao hay quá thấp có thể làm hư hỏng thiết bị phần cứng. Nếu có thể, bạn nên trang bị ổn áp hoặc tốt hơn là UPS cho “cục cưng” của mình.